Ông Nguyễn Tiến Nga – Giám đốc công ty Bách khoa Á châu (Apolytech), doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực lò hơi công nghiệp và thiết bị năng lượng tại Việt Nam đã có những chia sẻ về “độ khát” nhân lực của ngành Nhiệt – Lạnh trong những năm gần đây.

  1. Xu hướng thị trường của ngành nhiệt – lạnh hiện nay?

Xu hướng thị trường của ngành nhiệt – lạnh ứng dụng trong công nghiệp đang phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản nông sản sau thu hoạch, thủy hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thị trường cung cấp nhiệt (công nghệ lò hơi) loại vừa và nhỏ. Đó là chưa kể tới lĩnh vực nhà máy nhiệt điện, là lĩnh vực tăng trưởng nóng mà tôi sẽ không đề cập ở đây. Thị trường của ngành này vẫn sẽ tăng và phát triển đều đặn trong khoảng 5-6 năm tới.

  1. Xã hội cần gì và có yêu cầu gì cho những người đang tham gia vào thị trường này.  Ông có thể đưa ra dự đoán về nhu cầu nhân lực ngành nhiệt – lạnh trong những năm tới?
  • Giống như đối với các ngành nghề khác, thị trường của ngành này cũng đòi hỏi những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm cả ở trình độ cao và ở mức thành thục. Bởi đây là ngành có sự gắn kết rất chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Đối với lĩnh vực công nghệ lò hơi, những người đang làm hiện nay gồm có các kỹ sư và thợ kỹ thuật trình độ cao đẳng hoặc trung cấp nghề. Ngoài các kỹ sư nhiệt được đào tạo chính quy tại trường đại học lớn trong cả nước như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phần lớn thợ kỹ thuật tự học và tự đào tạo thông qua quá trình vận hành. Họ tự trưởng thành qua thực tiễn công việc và có thu nhập tốt, khoảng 20-22 triệu/tháng đối với kỹ sư và từ 12 triệu/tháng đối với thợ kỹ thuật.
  • Như tôi đã nói ở trên, bởi thị trường của ngành nhiệt – lạnh phát triển mạnh nên nhu cầu nhân lực của ngành này sẽ đòi hỏi rất lớn trong những năm tới. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với những cơ sở đào tạo về ngành này trong cả nước.
  1. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, ngay trong năm 2017 sẽ có tới khoảng 200.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành được đào tạo. Ngành nhiệt – lạnh có rơi vào tình trạng này không, thưa ông?

Đây là câu hỏi rất rộng và tôi chỉ xin trả lời trong lĩnh vực của mình. Thực tế tôi cho rằng, ngành này không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp. Nhân lực ngành này luôn được săn đón ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn như công ty của tôi, từ 3 năm nay chỉ tuyển được 2 kỹ sư ngành nhiệt, trong khi chúng tôi lúc nào cũng cần người làm về thiết kế, lắp đặt, thi công và vận hành các loại lò hơi cho nhà máy và khu công nghiệp, vì nhu cầu ở đó quá lớn. Đối với các bạn sinh viên tốt nghiệp từ Viện Nhiệt – Lạnh, chắc không chỉ có công ty của tôi mà tất cả các đơn vị làm việc trong ngành này đều cực kỳ ưu tiên.

  1. Ông có đánh giá gì về nhân sự mới ra trường, nếu có thể, ông cho họ những lời khuyên gì?
  • Theo quan điểm cá nhân tôi, các bạn còn thiếu tự tin và thụ động trong công việc và cuộc sống. Điều này có ảnh hưởng rất nhiều tới mức độ thành công của các bạn trong tương lai, bởi ngoài kiến thức, những kỹ năng mềm cũng tạo nên “thương hiệu” của bạn. Chỉ xin ví dụ, có lần tham dự một chương trình từ thiện của sinh viên phía Nam, tôi thực sự ấn tượng với phong cách tự tin và chủ động của họ. Điều này tôi đã không thấy được ở các bạn sinh viên của Viện Nhiệt – Lạnh, qua những lần tham dự chương trình sinh hoạt công dân. Trong công việc cũng vậy, sự thiếu chủ động thể hiện ngay ở việc đặt câu hỏi của các bạn. Đó là những câu hỏi không có chất lượng.
  • Các bạn nên mạnh dạn hơn nữa trong việc thể hiện mình trước mọi người. Cả trong công việc và trong cuộc sống. Cũng cần nói thêm là chương trình đào tạo đại học hiện nay còn nặng về dạy kiến thức, chứ chưa có nhiều các hoạt động ngoại khóa thực sự bổ ích và cuốn hút các bạn tham gia. Các chương trình sinh hoạt công dân vẫn nặng về hình thức và mang nhiều tính nghi lễ, lại có ít thời gian nên dễ khiến cho các bạn ngại trao đổi thảo luận. Viện Nhiệt – Lạnh nên tạo ra các hoạt động dưới hình thức nhóm hoặc câu lạc bộ với những chủ đề cụ thể cho các bạn, để họ dễ phát huy khả năng và trình bày suy nghĩ của mình trong một không gian cởi mở và thoải mái hơn. Ngay như chúng tôi là những doanh nghiệp cũng có một nhóm khoảng 50-70 người vẫn gặp gỡ nhau định kỳ (1 tháng/lần), để bàn luận những vấn đề trong cuộc sống và giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong công việc làm ăn. Như vậy, mức độ kết nối và hiệu quả trong công việc được cải thiện rất nhiều.
  • Cán bộ công ty Bách khoa Á châu thi công lắp đặt hệ thống lò hơi.
  1. Là một doanh nghiệp hoạt động rất thành công trong lĩnh vực công nghệ lò hơi, ông có thể chia sẻ về bí quyết thành công của mình cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp?
  • Nói về bí quyết thì hơi to tát, tôi chỉ xin chia sẻ những trải nghiệm của riêng mình mà thôi. Có ai đó đã nói, chỉ có khoảng 1% các cá nhân là thành công trong một xã hội. Nếu nói về khởi nghiệp thành công thì mức độ còn thấp hơn nữa, đa phần là thất bại. Tuy vậy, đối với ngành nhiệt – lạnh, theo quan sát của tôi cho đến thời điểm này, hầu hết các bạn đều khởi nghiệp thành công. Lý do thành công thì như đã nói ở trên, thị trường của ngành này liên tục phát triển trong những năm gần đây, do vậy mà có rất nhiều “đất dụng võ” cho những người trẻ tuổi.
  • Theo quan điểm của tôi, muốn khởi nghiệp thành công ở mảng nào đó trong ngành này (ví dụ, mảng việc về lò hơi, hệ thống nhiệt, máy lạnh, điều hòa không khí, …), trước hết, các bạn hãy xin vào làm việc ở các đơn vị của mảng đó. Từ quá trình làm việc, các bạn sẽ có trải nghiệm và phát hiện ra những khiếm khuyết của các công nghệ hiện có, để từ đó suy nghĩ, tìm ra cho mình một hướng đi mới nhằm cải tiến quá trình và công nghệ. Khi đã có được hướng đi phù hợp rồi thì phải làm việc cật lực với tinh thần “cháy hết mình”, thứ mà các bạn trẻ luôn có thừa. Cộng thêm một chút may mắn, chắc chắn thành công sẽ đến với các bạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài đã đăng trên báo điện tử Dân Việt